Đừng để toàn bộ công sức trong quá trình ăn kiêng bị “đổ vỡ” bởi những yếu tố sau đây.
Giảm cân là một quá trình đòi hỏi nhiều sự cố gắng và kiên trì. Giả như bạn đã giảm cân thành công nhưng việc duy trì số cân nặng lý tưởng đó cũng không phải là chuyện dễ dàng. Thực tế, tăng cân trở lại sau quá trình giảm cân là chuyện không hiếm. Nguyên nhân là do đâu? Hãy cùng ELLE lý giải vấn đề này qua bài viết sau đây.
NGUYÊN NHÂN KHIẾN CÂN NẶNG “LEO THANG” SAU KHI ĐÃ GIẢM CÂN
KHÔNG XÂY DỰNG CƠ BẮP
Trong quá trình giảm cân, dù đã thiết lập chế độ ăn uống khoa học nhưng cơ thể vẫn có thể bị hao hụt dinh dưỡng. Điều này khiến cho các khối cơ bắp dần dần mất đi. Thực tế, cơ bắp là những mô cơ hoạt động giúp cơ thể đốt cháy năng lượng, ngay cả khi bạn ngừng tập luyện. Chính vì vậy, tăng cường cơ bắp chính là cách tốt nhất để cơ thể đốt calo, đồng thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Trong chế độ tập luyện để giảm cân, đừng chỉ chăm chăm vào các bài tập đốt mỡ, hãy rèn luyện động tác tăng cơ nữa nhé!
CHẾ ĐỘ ĂN KIÊNG QUÁ NGHIÊM NGẶT
Nhiều người nghĩ rằng việc nhịn ăn hoặc bỏ bữa là cách tốt nhất để hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể. Tuy nhiên điều này làm chậm quá trình trao đổi chất và ảnh hưởng đến hormone leptin. Đây là hormone điều chỉnh sự thèm ăn của cơ thể. Khi các tế bào mỡ giảm đi do việc giảm cân, nồng độ leptin cũng trở nên thấp hơn. Theo giáo sư Randy Seeley thuộc Đại học Michigan School of Medicine, việc nồng độ leptin suy giảm khiến não bộ lầm tưởng rằng cơ thể đang thiếu hụt thức ăn, dẫn đến tình trạng đói và thèm ăn liên tục. Khi đó, lẽ dĩ nhiên, bạn sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn khiến cân nặng tăng trở lại.
TẬP LUYỆN QUÁ SỨC
Trong giai đoạn đầu khi giảm cân, hẳn bạn sẽ rất cố gắng và chăm chỉ với các bài tập đốt mỡ nhằm mong muốn đạt đến hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, việc kiên trì tập luyện các bài tập cường độ caotrong thời gian dài khiến cơ thể dễ đuối sức, mệt mỏi và khiến bạn dễ bỏ cuộc. Sau những buổi tập mệt mỏi, cơ thể cần nạp nhiều calo để bù cho những gì đã mất, từ đó cân nặng cũng “leo thang” trở lại. Thay vào đó, bạn hãy thiết lập cho mình chế độ tập luyện phù hợp, chọn các động tác có mức độ vừa và nâng cao theo đúng khả năng của bản thân. Điều quan trọng là bạn có thể duy trì đều đặn việc vận động cơ thể mỗi ngày.
BỎ ĂN SÁNG
Nhiều người thường cho rằng nhịn ăn sáng là cách hạn chế ít nhiều lượng calo vào cơ thể. Tuy nhiên đây là một quan niệm sai lầm. Thức ăn khi nạp vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành glucose để cung cấp năng lượng hoạt động trong ngày. Bạn ăn sáng càng trễ, thậm chí là bỏ bữa sáng khiến lượng đường huyết trong cơ thể giảm xuống. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến tâm trạng mà còn khiến bụng “réo” mãi không thôi. Với chiếc bụng đói như vậy, bạn sẽ dễ dàng nạp nhiều thức ăn hơn vào các bữa tiếp theo để bù đắp cho cơ thể.
THƯỜNG XUYÊN UỐNG BIA RƯỢU
Theo nhiều nghiên cứu, chất cồn trong rượu bia là yếu tố khiến cơ thể khó đốt cháy mỡ và calo. Rượu bia là thức uống làm tăng gia vị của bữa ăn, từ đó, bạn sẽ ăn nhiều hơn dự định. Nếu tình trạng này kéo dài, dù có tập luyện hoặc ăn kiêng đến mức nào, bạn khó lòng giảm cân như mong muốn.
THIẾU NGỦ
Có lẽ bạn cũng nhận thức được giấc ngủ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Nhiều nghiên cứu do tạp chí European Journal of Clinical Nutrition công bố, những người chỉ ngủ trung bình 3-5 tiếng sẽ có xu hướng nạp vào nhiều calo hơn là những người ngủ đủ 8-12 tiếng mỗi ngày. Theo bác sĩ Wendy Scinta, chủ tịch hiệp hội Obesity Medicine: “Trong quá trình giảm cân, hormone ghrelin gây nên cảm giác đói vốn đã ở mức cao nên nếu bạn thiếu ngủ, lượng hormone này sẽ càng tăng cao hơn nữa”.
Việc thức khuya và ngủ không đủ giấc khiến tinh thần mệt mỏi, não bộ tiết ra nhiều hormone căng thẳng, tạo cảm giác bụng đói liên tục. Qua hôm sau, cơ thể có xu hướng bổ sung nhiều thực phẩm béo và ngọt để bù lại.
Để việc giảm cân có hiệu quả, bạn nên chú ý cân bằng giữa chế độ ăn uống, tập luyện và giấc ngủ.